1. Kế hoạch của bạn là gì?
Bạn vẫn chưa có kế hoạch gì ư? Vậy thì đó là điều cần làm đầu tiên. Có một kế hoạch, bạn sẽ biết cần làm gì, những gì đã làm đã đúng với mong muốn hay chưa, và quan trọng nhất, bạn biết sau khi hoàn thành bạn sẽ đạt được gì.
Bạn có thể có các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Các kế hoạch dài hạn có thể cho 5 năm, 10 năm hay 15 năm, và các kế hoạch ngắn hạn – với mục tiêu hoàn thành một bước nào đó trong kế hoạch dài hạn, có thể kéo dài từ vài ngày đến vào tháng. Và kết quả của chúng phải cụ thể, ví dụ: thành thạo C++, lấy được chứng chỉ CCNA, hay kiếm được thu nhập 10.000.000/tháng… có như vậy, bạn mới biết được chính xác mình có bám theo đúng mục tiêu hay chưa, và đã đạt được bao nhiêu % công việc, cũng như cần điều chỉnh gì để hoàn thành công việc đó đúng hạn.
Sau khi đã có kế hoạch, hãy cố gắng bám sát nó.
2. Sử dụng thời gian một cách tốt nhất
Những người khác mất bao nhiêu lâu để làm việc đó? Tôi không biết, nhưng tôi muốn bạn phải hoàn thành nó với một nửa thời gian đó thôi.
Khi còn dạy ở NIIT, tôi vẫn thường hỏi các học viên là: Bạn mất bao nhiêu thời gian cho việc học ở đây? Đáng tiếc, câu trả lời thông thường vẫn là 6h/tuần, tương đương khoảng 1h/ngày, hoặc nếu có bài làm thêm ở nhà thì là 12h/tuần. Bạn nghĩ sao nếu một người khác có cùng khởi đầu như bạn, nhưng họ đầu tư 6h/ngày cho việc học? Kết quả là, bạn sẽ mất 6 tháng để làm được thứ mà họ chỉ cần 1 tháng để hoàn thành. Kiến thức của họ sau 2 năm so với bạn là thế nào?
Sự thực, đối với một sinh viên, cá nhân tôi nghĩ rằng 6h cho một ngày vẫn không đủ. Vậy con số đó là bao nhiêu?
Hãy nhìn những người xung quanh bạn, họ sẽ là người cạnh tranh với bạn trong công việc sau này. Họ mất bao nhiêu thời gian cho việc học? Vậy nên con số tương đối mà tôi có thể nói là con số lớn hơn những người xung quanh bạn đã dành ra. Nhưng nếu chỉ biết lao đầu vào học bạn sẽ bỏ lỡ nhiều thứ, cũng như khả năng thu nhận thông tin cũng chỉ có giới hạn, vậy nên, bạn cần xem khoảng thời gian nào tốt nhất trong ngày cho việc học, số giờ chúng ta có thể dành ra được, thời gian nghỉ ngơi thư giãn, sao cho thời gian được sử dụng hiệu quả nhất.
3. Đọc sách
Đọc sách hiển nhiên là quan trọng. Nhưng cách đọc cũng quan trọng không kém. Sách chuyên ngành thông thường không dễ đọc và hiểu, nhất là đối với người chưa thành thạo với nội dung mà sách nói đến, do vậy bạn nên đọc một cuốn sách nhiều lần để có thể nắm bắt hoàn toàn nội dung.
Cách đọc của tôi là lướt qua toàn bộ sách thật nhanh một lần để biết nó nói gì, thậm chí không đọc các ví dụ, làm các bài tập. Sau khi đọc lướt như vậy bạn sẽ nắm được cơ bản nội dung cuốn sách, chủ đề chính mà nó nói đến. Khi đọc lại lần thứ hai, tôi sẽ đọc thật kỹ, làm theo từng bước hướng dẫn trong đó, tôi phải đảm bảo hiểu và nhớ tất cả những gì đã đọc. Nếu bạn cảm thấy việc hiểu và nhớ những gì mình đọc là không cần thiết, tốt nhất đừng phí thời gian vào việc đọc sách, sẽ chẳng có lợi ích gì cho bạn.
Tôi nhớ khi mới học, có những quyển sách tôi đọc rất nhiều lần, thậm chí mười lần, hai mươi lần. Tôi đảm bảo với bạn tôi có thể nói vanh vách về tất cả những gì có trong đó, nhờ vậy, khi đọc một cuốn sách ở mức độ cao hơn, tôi có thể nắm bắt dễ dàng hơn nhiều so với những người khác.
Tuy nhiên hãy nhớ không phải chỗ nào trong sách cũng cần phải nhớ, có những loại sách tham khảo mà điều duy nhất bạn cần nhớ là chủ đề nào nằm ở đoạn nào trong đó, nó sẽ giúp bạn dễ hàng hơn trong việc tra cứu thông tin sau này.
4. Thực hành càng nhiều càng tốt
Hãy tận dụng thời gian để làm các bài tập, thật thành thạo. Tốt nhất hãy tìm những cuốn sách có sẵn bài giải, và hãy dùng bài giải mẫu đó để so sánh với bài giải của mình sau khi tự mình hoàn thành chúng.
Việc thực hành là cực kỳ quan trọng trong ngành IT, là một trong những yếu tố then chốt giúp bạn phát triển kỹ năng và kinh nghiệm, vậy nên hãy cố gắng tận dụng thời gian để làm càng nhiều càng tốt. Theo tôi nếu đang còn đi học, 3-4 giờ mỗi ngày là phù hợp cho việc thực hành mỗi ngày của bạn.
5. Thị trường đang cần gì?
Bạn nên học thứ mà bạn thích. Đúng! Nhưng thị trường cũng vẫn có một vai trò quan trọng, bởi nếu không có đất dụng võ, niềm đam mê của bạn rồi cũng sẽ dần mai một.
Hãy lập một danh sách những thứ bạn thích, từ nhiều đến ít. Sau đó cố gắng đánh giá chúng theo mức độ quan tâm của thị trường, trong hiện tại và tương lai, nếu một mục nào đó là khó có thể phát triển, hãy loại ra khỏi danh sách, bằng cách này bạn sẽ biết được nên chọn gì để học.
Nhưng làm thế nào để biết một công nghệ, một xu hướng nhận được sự quan tâm của thị trường hay không, và trong tương lai nó phát triển thế nào? Hãy tìm đọc các tạp chí chuyên ngành, tham khảo trên các trang web công nghệ, và một kênh quan trọng là tham khảo những người có kinh nghiệm. Bạn là người quyết định cuối cùng, khó, nhưng vẫn phải làm, vì nó chính là tương lai của bạn.
6. Tiếng Anh, tiếng Anh và tiếng Anh
Không cần phải nói về tầm quan trọng của tiếng Anh. Có một vốn tiếng Anh tốt bạn có thể dễ dàng đọc tài liệu, tìm kiếm thông tin trên Internet, đọc các sách của nước ngoài vốn phong phú, chính xác và cập nhật hơn nhiều so với sách tiếng Việt. Ngoài ra có một vốn tiếng Anh tốt sẽ có thêm cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài, có nhiều ưu đãi, cũng như môi trường làm việc tốt hơn so với các công ty của Việt Nam.
Tôi vốn không được học tiếng Anh trong trường phổ thông (tôi học tiếng Nga), khi vào đại học, nhờ học thêm tôi cũng biết một chút tiếng Anh, nhưng khi tiếp xúc với các sách chuyên ngành, thực sự tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vào thời điểm đó cũng không có nhiều tài liệu để bạn tham khảo (Việt Nam mới chỉ kết nối Internet vào cuối 1997, và việc sử dụng vô cùng đắt đỏ), vậy nên để làm quen với việc đọc sách chuyên ngành, tôi phải tìm mua ở các hiệu sách cũ. Và cuốn sách đầu tiên tôi tìm được là cuốn “Mạng Nơron”, nói về một chủ đề xương xẩu ngay cả nếu nó viết bằng tiếng Việt :D, nhưng dù sao đó cũng là lựa chọn duy nhất của tôi. Tôi tin rằng việc đọc sách chuyên ngành bằng tiếng Anh luôn là khó khăn đối với tất cả những ai mới bắt đầu, nhưng những gì khó khăn mới chính là cơ hội.
Tiếng Anh chính là điều kiện đủ để bạn thành công trong ngành IT.
7. Kỹ năng mềm
Kỹ năng mềm vẫn luôn là điểm yếu của các sinh viên. Những thứ kiểu như nói trước đám đông, thương thuyết hay gì gì đó gọi chung là kỹ năng mềm luôn là một cái gì xa xôi, thế rồi một ngày nó đột ngột xuất hiện trước mặt, và tất nhiên nó sẽ trở thành một thất bại hay một cơ hội sẽ tùy thuộc vào bạn, vào việc bạn đã chuẩn bị cho điều đó như thế nào. Hãy tham khảo những người xung quanh, hãy tận dụng mỗi khi có cơ hội, và hãy luôn tự đánh giá và rút kinh nghiệm bản thân.
8. Hãy suy nghĩ
Học thì phải suy nghĩ, một điều tưởng như là hiển nhiên ấy vậy mà có những người vẫn quên mất. Bạn học rất chăm, bạn thực hành rất nhiều, nhưng chừng đó là chưa đủ để vượt lên, để tách ra, để khác biệt. Bạn vẫn cần phải suy nghĩ.
Hãy dành một khoảng thời gian trong ngày, đừng làm gì cả, hãy nhớ lại những gì đã làm, suy nghĩ, nghiền ngẫm về nó, cứ để tâm hồn bạn lan man. Tin tôi đi, bạn sẽ nghiệm ra nhiều điều rất thú vị, và tôi cũng tin rằng, bạn sẽ thấy đây chính là lời khuyên giá trị nhất mà tôi dành cho bạn.
Hãy suy nghĩ!
Sưu tầm
Post a Comment